Welcome to Comedown's Blog Technology !
Loading...

Surface và Silverlight - những công nghệ mới nhất của Microsoft

Người đăng: Unknown Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009 Lượt xem: counter


Surface và Silverlight là những công nghệ mà tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới Microsoft kỳ vọng sẽ tạo thành dấu ấn trong kỷ nguyên của công nghệ cảm ứng và web 2.0 đang thịnh hành.

Với những khả năng ứng dụng cao và công nghệ vượt trội, Surface và Silverlight đang được coi như những công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay.

Surface - Sản phẩm máy tính của tương lai

Máy tính Surface

Máy tính sẽ không còn bàn phím, con chuột, người dùng chỉ cần những cử động của thân thể là đã có thể thao tác trực tiếp trên màn hình máy tính. Đây không còn là chuyện không tưởng hay viễn tưởng bởi công nghệ Surface đang được Microsoft phát triển hoàn toàn có thể làm được điều này.

Được phát triển như một công nghệ kết hợp cả phần cứng và phần mềm, cho phép người dùng hoặc nhiều người dùng xử lý nội dung số bằng cách sử dụng những cử động tự nhiên như ra dấu bằng tay hoặc bằng vật chất, nhưng Microsoft Surface chỉ đơn giản là một máy tính chạy hệ điều hành Windows Vista, được nhét vào một cái bàn, phía trên là một màn hình cảm ứng 30-inch. 5 máy quay có thể cảm nhận được những vật gần đó được gắn phía dưới màn hình. Người dùng có thể giao tiếp với máy bằng cách chạm hoặc rê đầu ngón tay và thậm chí cả những vật dụng dọc theo màn hình, hoặc đặt những vật có dán nhãn mã vạch đặc biệt lên nó. Ngoài việc nhận dạng các di chuyển của ngón tay, loại máy tính này còn có thể nhận dạng được vật hữu hình (giống như khi một thực khách đặt lên bàn một ly rượu, bàn sẽ tự động đưa ra những sự lựa chọn về các loại rượu khác nhau).

Mấu chốt của công nghệ Surface là tích hợp công nghệ đa điểm tiếp xúc cho phép người dùng tương tác với thiết bị với nhiều hơn một điểm tiếp xúc. Ví dụ như sử dụng tất cả các ngón tay để vẽ thay vì chỉ một ngón và cho phép nhiều người dùng có thể cùng lúc tương tác với thiết bị. Surface đã được tối ưu hóa để đáp ứng 52 điểm chạm cùng một lúc.

Nhờ việc sử dụng các máy quay phim làm đầu vào, hệ thống giờ đây không còn phụ thuộc vào những tính chất hạn chế của một màn hình cảm ứng hoặc thiết bị cảm ứng thông thường như điện dung, điện trở, hoặc nhiệt độ của công cụ được dùng. Do đó, công nghệ Surface cho phép những đồ vật không phải kỹ thuật số cũng có thể được dùng làm thiết bị đầu vào. Chẳng hạn như một cái bút vẽ bình thường cũng có thể tạo ra một bức vẽ số trong phần mềm.

Giao diện máy tính được tạo ra nhờ nguồn ánh sáng LED phát hồng ngoại gần, bước sóng 850 nanomet hướng về mặt bàn. Khi một đồ vật chạm lên mặt bàn, ánh sáng được phản chiếu đến nhiều máy quay hồng ngoại với độ phân giải lưới 1280 x 960, cho phép nó cảm nhận, và phản hồi lại đồ vật chạm lên mặt bàn.

Ý tưởng về sản phẩm của Surface được hình thành vào năm 2001, và đến 2003, một bản thiết kế mẫu đã được sản xuất tại Microsoft. Trong năm tiếp theo, Microsoft đã tạo nên hơn 85 bản thiết kế mẫu cho Surface. Thiết kế phần cứng cuối cùng được hoàn thành vào năm 2005.

Surface được Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer trình diễn lần đầu tiên vào tháng 5/2007 trong hội nghị All Things Digital của Báo Wall Street tại Carlsbad, California. Trong thời gian tới, Surface sẽ được phát hành với những ứng dụng cơ bản, bao gồm hình ảnh, âm thanh, đặt vé ảo, trò chơi, và người dùng có thể điều chỉnh chúng.

Sản phẩm mới này nhắm đến các khách sạn, các khu bán lẻ, nhà hàng và những nơi giải trí công cộng. Trên thực tế, màn hình cảm biến không phải là công nghệ mới, nhưng cái mới ở đây là Microsoft Surface còn kết hợp với tương tác của cử chỉ và màn hình.

Bên cạnh đó, công nghệ Microsoft Surface không dựa trên cảm ứng nhiệt hay điện tử của bề mặt mà dựa trên công nghệ nhận biết hình ảnh qua camera. Đó là một cái bàn có bề mặt đặc biệt với khả năng tương tác với bất cứ vật thể nào đặt trên mặt bàn đó.

Công nghệ này có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, riêng lĩnh vực đồ họa và thiết kế, công nghệ Surface đã mở ra những khả năng to lớn. Việc chia sẻ hình ảnh, mua bán hình ảnh, chỉnh sửa cũng trở nên vô cùng tiện dụng. Chiếc bàn cảm ứng cộng với 2 camera nhỏ sẽ giúp việc miêu tả các vật thể 3D dễ dàng như trở bàn tay. Thậm chí, bạn đặt tay lên mặt bàn thì ngay lập tức, trong máy sẽ có mô hình cánh tay của bạn.

Nhiều chuyên gia CNTT nhận định công nghệ Surface của Microsoft hứa hẹn sẽ mở ra một thị trường mới đầy hứa hẹn dành cho các nhà phát triển phần cứng, phần mềm, design, kinh doanh, ... Và hơn hết, nó mở ra một tương lai mới cho người tiêu dùng, khi việc điều khiển máy vi tính quá dễ dàng và thú vị, không cần đến bàn phím, con chuột hay dây rợ phức tạp.

Silverlight - Công nghệ trình diễn mới cho web

Silverlight

Các ứng dụng đa tương tác chất lượng cao và các ứng dụng, hiệu ứng đa phương tiện là mục tiêu hàng đầu trong việc xây dựng một web thế hệ mới. Microsoft đã đầu tư rất lớn vào xu hướng này qua công nghệ Silverlight (Tia chớp bạc).

Silverlight là một phần mềm được thiết kế với khả năng dễ dàng được cài đặt nhúng (hay còn gọi là plug-in) vào các trang web cho phép thực thi, trình bày các ứng dụng web với hiệu ứng động, đa phương tiện và ứng dụng có tính tương tác cao. Đây là một công nghệ trình diễn mới cho web, có thể chạy trên nhiều trình duyệt, nhiều nền hệ thống khác nhau. Mô hình lập trình Silverlight rất uyển chuyển, hỗ trợ AJAX, VB, C++, Python, Ruby và cho phép tích hợp với các ứng dụng web có sẵn, giúp tạo ra những ứng dụng tương tác phong phú, tiện lợi, đẹp mắt ngay trong cửa sổ mọi trình duyệt…

Sản phẩm phần mềm ứng dụng nhúng đa phương tiện (plug in) Silverlight phiên bản 1.0 đã chính thức ra mắt vào cuối năm 2007 để đáp ứng nhu cầu đa phương tiện, ứng dụng web đồ họa tương tác cao cấp. Với Silverlight, người dùng có thể dễ dàng có được các ứng dụng như xem tivi, video, nghe nhạc trên web qua ứng dụng nhúng, xây dựng những ứng dụng đồ họa kết hợp hình ảnh, hay các thành phần trực quan trên web, hiển thị dữ liệu…

Silverlight được xem là đã mang sức mạnh âm thanh và video cải tiến đến với các ứng dụng web, có thể giúp cho Microsoft gây dựng thanh thế trong lĩnh vực thiết kế giao diện Web và cạnh tranh với công nghệ Flash như một nền tảng cho ứng dụng web trong tương lai.

Silverlight 1.0 bao gồm framework trình diễn, có thể xử lý hình ảnh, chữ, hình họa, âm thanh, hình ảnh cùng lúc, đồng thời thiết kế giao diện người dùng bằng ngôn ngữ đánh dấu XAML của Microsoft.

Các nhà phát triển có thể tạo ra các ứng dụng Silverlight nhờ một add-on miễn phí bên trong phần mềm Visual Studio 2008. Ngoài ra, Silverlight cũng hỗ trợ cả hệ điều hành nguồn mở Linux.

Ngoài những ứng dụng hướng đến video, Silverlight còn có rất nhiều ứng dụng khác như Silverlight Map là phiên bản của phần mềm MindManager của Mindjet, hoặc một phiên bản của giao diện thanh ribbon của Office 2007, ứng dụng Page Turn, bắt chước khá giống với cách bạn lật trang sách hay tạp chí.

Hiện tại, bản Silverlight 1.0 chỉ có kích thước hơn 1Mb, trong khi đó, bản Silverlight 1.1 sẽ khoảng 4Mb. Với kích thước nhỏ và khả năng dễ dàng cài đặt tất cả chỉ trong 1 lần, sản phẩm này rất tiện lợi đối với người dùng.

Ra đời sau, thừa hưởng tính ưu việt của các công nghệ hiện có, nhỏ gọn, đa nền tảng, bộ công cụ phát triển mạnh mẽ và hoàn chỉnh, và hơn hết là được phát triển bởi Microsoft - Tập đoàn số một trong thế giới phần mềm, SilverLight được coi như một đối thủ nặng ký của Adobe Flash. Silverlight không chỉ là một phần bổ sung cho trình duyệt được quản lý để phân phối những hình ảnh đồ họa hoặc phát video (giống với Flash), mà còn có thể thể hiện video với chất lượng cao đến 720p (một bước nhảy vọt so với Flash hiện tại).

Trong thời gian tới, Silverlight sẽ tiếp tục được nâng cấp lên phiên bản 2.0, có khả năng tương thích đa giao thức, cho phép các nhà lập trình phát triển nhiều ứng dụng qua Internet. Đặc biệt, phiên bản còn hỗ trợ công nghệ Windows Presentation Foundation cho phép chạy trên nhiều nền tảng hệ điều hành và khai thác các kỹ thuật liên trình duyệt, trong đó có cả các thiết bị di động. Bên cạnh đó, Silverlight 2.0 còn hỗ trợ nhiều chức năng cơ bản của thư viện .Net Framework và kiểm soát được nhiều định dạng dữ liệu.

Những nhà sản xuất video như Netflix, Fox Movies và Major League Baseball là những công ty đầu tiên ủng hộ Silverlight, đã đưa ra một số dịch vụ video chất lượng cao mới.

Chẳng hạn như Netflix đã minh họa một ứng dụng xem phim trực tuyến dựa trên Silverlight với các điều khiển giống như DVD mà công ty sẽ dùng để mở rộng các sản phẩm truyền video của mình. Dùng Silverlight cho phép Netflix tận dụng thư viện tập tin định dạng Windows Media Video hiện thời của công ty, cũng như mở rộng dịch vụ ra bên ngoài thế giới Windows.

CBS và Paramount cũng đã triển khai Silverlight trên ETOnline cho giải Emmy Awards cũng như Golden Globes và Oscar. Cả Home Shopping Network và WWE cũng đã tích hợp Silverlight lên website của mình.

Mới đây, Microsoft còn hợp tác cùng Novell để đưa Silverlight tiếp cận hệ điều hành nguồn mở Linux sau khi nhận được khá nhiều yêu cầu từ người dùng. Novell sẽ tái cấu trúc để Silverlight có thể hoạt động trên Linux, Ubuntu, Red Hat nhưng với tên gọi mới là Moonlight, dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2008.

Hãng điện thoại hàng đầu thế giới Nokia cũng đã chính thức công bố sẽ tích hợp nền tảng công nghệ Silverlight lên hàng triệu chiếc điện thoại sắp ra mắt của mình. Đây là hãng điện thoại đầu tiên ủng hộ Silverlight.

Để mở rộng silverlight, Microsoft dự định sẽ tiếp tục thuyết phục các hãng điện thoại hàng đầu khác như Samsung, LG…, những hãng đã sử dụng công nghệ Flash quen thuộc của Adobe.


Theo Tạp chí TH-TC

0 nhận xét

Đăng nhận xét

1. Vui lòng nhập tiếng việt có dấu.
2. Không sử dụng từ ngữ thô tục, trái với thuần phong mỹ tục.
3. Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết, bạn có thể sử dụng một số thẻ HTML như <b>, <i>, <a>
4. Những nhận xét mang tính chất Đồi trụy, Quảng cáo, Spam hoặc không có tính xây dựng... sẽ bị xóa vĩnh viễn mà không cần báo trước.

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ
Blogumulus by Roy Tanck and Amanda FazaniInstalled by CahayaBiru.com

Followers

Cộng đồng Blogger

Comedown's Blog
TruongGTGR - Nơi siêu xe hội tụ
Tư vấn tin học